Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Hướng dẫn cách xoay Rubik 3x3

Rubik là một trò chơi giải đố do giáo sư Ernő Rubik người Hungary phát minh ra năm 1974. Phiên bản tiêu chuẩn của Rubik là khối lập phương cạnh 3x3 với 6 màu ở 6 mặt: đỏ, vàng, cam, xanh lá cây, xanh dương và trắng. Chiều dài cạnh của lập phương Rubik tiêu chuẩn là khoảng 5,7cm.


Rubik có cách chơi đơn giản nhưng lại… siêu khó, giống như giải một bài toán vậy. Trò chơi bắt đầu bằng việc xáo trộn các ô màu trên Rubik và nhiệm vụ của người chơi là tìm cách xếp lại Rubik về hình dạng ban đầu với 6 mặt màu đồng nhất.

Đối với người mới tập chơi, nếu không có phương pháp, họ gần như không bao giờ giải được bài toán Rubik. Trên thế giới hiện nay, người xếp Rubik nhanh nhất là Mats Valk với kỉ lục 5,55 giây tại giải Melbourne Cube Day 2013. 

 Chỉ cần nhớ được các thuật toán và công thức, Rubik chỉ là "chuyện nhỏ".

Bản chất của Rubik là sử dụng các thuật toán hoán vị để thành công. Mỗi Rubik tiêu chuẩn có 43 tỉ tỉ hoán vị khác nhau. Nếu coi mỗi khối Rubik là một hoán vị và xếp chúng thành bề mặt cong, số lượng này đủ phủ kín bề mặt Trái đất 256 lần.

 Để giải thành công một khối Rubik tiêu chuẩn (3x3), có rất nhiều phương pháp khác nhau. Một số phương pháp xoay nhanh được Jessica Fridrich, Philip Marshall hay Ryan Heise phát triển có thể giúp giải Rubik chỉ sau 40 - 65 lần xoay.

Tuy nhiên, cách này thường chỉ dùng cho những người chơi lâu năm, vì thuật toán khó và thậm chí còn rất nhiều (với phương pháp Fridrich, bạn phải ghi nhớ 120 thuật toán khác nhau).



Cách phổ biến và thông dụng nhất dùng để giải Rubik phù hợp với mọi đối tượng là phương pháp của David Singmaster - một nhà toán học người Anh.

Một cách đơn giản, có thể hiểu đây là cách thức xếp Rubik theo từng tầng. Đối với tầng thứ nhất, người chơi cần xếp được một chữ thập chuẩn ở một mặt (màu của các đỉnh chữ thập trùng với màu mặt đang xếp và màu của 4 mặt xung quanh tương ứng).



Sau đó, người chơi xếp nốt 4 khối ở góc vào đúng vị trí của chúng để hoàn thiện tầng một. Trong quá trình xếp, cần giữ nguyên vị trí của chữ thập mình đã xếp được.



Đối với tầng thứ hai, công việc bắt đầu phức tạp hơn. Người chơi phải xếp 4 góc của tầng này vào đúng vị trí mà không được phá vỡ cấu trúc của tầng đáy vừa xây xong.



Tầng thứ ba là công đoạn khó nhất trong việc giải quyết một khối Rubik. Đối với tầng này, người chơi phải nhớ khá nhiều thuật toán. Một trong những cách điển hình là xếp sao cho mặt cuối cùng đồng màu (dù các khối nhỏ ở vị trí sai).



Tiếp đó, sử dụng công thức để đổi chỗ sao cho 4 khối nhỏ ở góc về đúng chỗ mà không thay đổi cấu trúc đã xếp ở các tầng dưới. Cuối cùng, người chơi xếp nốt các viên cạnh ở giữa về đúng vị trí là hoàn thành.


Nguồn: Tri Thức Trẻ

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Sai lầm mẹ thường mắc khi mua đồ chơi cho con

Để trẻ có thể vui chơi và học hỏi nhiều điều từ các món đồ chơi đơn giản nhất, các mẹ cần tránh những điều này khi chọn mua đồ chơi cho con.



 1. Mua đồ chơi lớn hơn tuổi của trẻ

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại đồ chơi bắt mắt dành cho trẻ nhỏ khiến cha mẹ gặp khó khăn trong việc chọn lựa sản phẩm thích hợp cho bé. Không ít người lớn chọn đồ chơi cho con theo cảm tính cá nhân mà không quan tâm xem liệu nó có phù hợp với tuổi của con mình hay không.

Một điều không ai có thể phủ nhận được là đồ chơi vừa giúp trẻ giải trí vừa nâng cao khả năng nhận thức và khám phá, nhưng điều này chỉ đúng nếu món đồ đó tương xứng với độ tuổi của con. Nếu bạn không muốn món đồ mình mua về phải 1 năm sau con mới có thể dùng được thì cần phải lưu ý điều này.

Với trẻ dưới 2 tuổi, các mẹ đừng bao giờ mua đồ chơi quá phức tạp cho bé, bởi sự phức tạp đó sẽ làm giảm hứng thú chơi của con. Đồng thời, trong độ tuổi này, trẻ hay có thói quen cầm nắm vật lạ cho vào mồm, do đó người lớn cũng không nên mua đồ chơi có những bộ phận dễ tháo rời phòng trường hợp bé đưa những vật nhỏ này vào miệng và bị mắc nghẹn. Chính vì vậy, cha mẹ nên đánh giá thực tế về khả năng và sự trưởng thành của bé, phải tự biết “lượng sức” bé có chơi được những món đồ chơi bạn định mua được hay không.

2. Không quan tâm đến ý thích của con
Đây cũng là một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều mẹ mắc phải khi chọn mua đồ chơi cho con. Các mẹ đừng vội nghĩ con còn ít tuổi thì làm biết thích và không thích cái gì, nhưng trên thực tế thì trẻ thông minh và lanh lợi nhiều hơn người lớn nghĩ đấy.

Khi mua đồ, hay làm bất cứ việc gì, nếu không đúng với mong muốn hay ý thích của mình, chắc chắn bạn sẽ nản chí và không có hứng thú, vậy trẻ con cũng tương tự như thế thôi. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay mua đồ chơi cho con theo ý muốn của mình mà không thèm quan tâm xem liệu bé có thích hay không, kết quả là bé không muốn chơi và để lãng phí.

Để tránh lãng phí, bạn cũng nên tìm hiểu trước sở thích của con. Tránh trường hợp những món đồ chơi bạn mua về bị “xếp xó” vì bé chán không muốn chơi. Nên nhớ, mua đồ chơi cho bé chứ không phải cho bạn. Không hẳn những gì bạn thích đều sẽ phù hợp với bé.

3. Mua một lúc nhiều đồ chơi cùng một loại

Mua một lúc nhiều đồ chơi cùng loại cho bé không phải là ý tưởng hay. Thay vì tha về một đống mô hình lắp ghép, tại sao bạn không mua thêm cho bé mô hình ô tô, thiết bị điều khiển từ xa...Nếu phải chơi suốt ngày với các món đồ tương tự nhau, chắc chắn bé sẽ nhanh chán.

Đồ chơi cũng đóng góp một phần giúp trẻ nâng cao nhận thức và trí sáng tạo, do đó nếu chỉ mua nguyên một loại, bé sẽ không học hỏi thêm được điều gì mới mẻ. Chính vì vậy, cha mẹ nên linh hoạt trong việc lựa đồ cho trẻ, tránh tình trạng lãng phí tiền.

Có thể nói đồ chơi là những món đồ không thể thiếu trong suốt hành trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Không chỉ dừng lại ở một món đồ chơi thông thường, mang lại niềm vui cho trẻ mà đồ chơi còn giúp trẻ phát triển toàn diện kể cả và mặt thể chất lẫn trí tuệ. Do đó, các mẹ hãy đừng mắc sai lầm trong việc lựa chọn đồ chơi cho con nhé.

Nguồn: vnxtag


Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Dạy con thông minh với quả địa cầu

Mục tiêu của việc dạy con thông minh không chỉ là giúp bé làm toán thật nhanh mà còn bồi dưỡng những kiến thức về xã hội nữa. Quả địa cầu nhỏ sẽ là trợ thủ đắc lực cho ba mẹ trong việc truyền thụ những kiến thức này.

Bắt đầu khám phá thế giới

Để bắt đầu, mẹ hoặc bé xoay quả địa cầu. Mỗi lần vòng xoay dừng lại, mẹ và bé lại cùng nhau chọn một vùng đất để cùng khám phá. Chẳng hạn, tay bạn đang dừng lại ở đất nước Trung Quốc, những câu chuyện huyền thoại và lịch sử, nói về một số món ăn hay một bộ phim, xem một chương trình truyền hình về văn hóa Trung Hoa sẽ đưa bé đến gần xứ sở này hơn.

Cách dạy con trực quan và vui nhộn này sẽ lôi kéo vé vào những bài học một cách tự nhiên và dễ dàng
Mở rộng cuộc hành trình

Song song với việc dùng quả địa cầu, bạn cũng có thể nhờ bạn bè ở khắp nơi trên thế giới gửi về những tấm bưu thiếp có mô tả các địa điểm và những việc họ đã trải nghiệm. Kết hợp những bưu thiếp đó với mỗi lần xoay quả địa cầu cùng con.
Bên cạnh đó, một số trang web kết bạn trực tuyến, các mạng xã hội cũng rất có ích nếu con bạn đã lớn. Tất nhiên, việc kết bạn này nên được theo dõi cẩn thận.

Để dạy con thông minh, bạn không cần phải là một nhà thông thái hay nhà du hành

Nếu có thể, bạn hãy tiếp tục mở rộng hành trình khám phá văn hóa bằng cách đưa con đến một cộng đồng dân cư có nhiều người nước ngoài hoặc có các nhóm dân tộc khác sinh sống để cảm nhận nền văn hóa truyền thống của họ, từ trang phục, những vật trang trí nhà cửa, cửa hàng, ăn uống ở đó, nghe những cuộc nói chuyện bằng ngôn ngữ khác và chỉ ra sự khác biệt trong kiến trúc và lối trang trí những ngôi nhà. Chẳng hạn,  cuộc dạo chơi ở bản Đôn sẽ giúp bé hiểu một phần văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Trải nghiệm các hoạt động cộng đồng

Thử kiểm tra lịch sự kiện, lễ hội hay buổi diễu hành của các nhóm cư dân mà bạn và bé đang khám phá. Thử cùng bé tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc và các nét đặc trưng của các sự kiện đó. Chắc chắn ngày hội Chol Chnam Thmey (lễ mừng năm mới cổ truyền của người Khmer) sẽ rất khác với ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Mỗi sự kiện, mỗi ngày lễ, tết sẽ cho bé cơ hội tiếp xúc với rất nhiều điều mới lạ mà bạn có thể phải mất rất nhiều thời gian để truyền đạt nếu chỉ dùng lý thuyết.

Một cách sáng tạo khác để dạy con về thế giới đó đây: Chọn ra một nền văn hóa nào đó và truyền cảm hứng cho bé trong bộ trang phục hóa trang nhân dịp Halloween, ví dụ như bộ y phục samurai Nhật Bản hay trang phục Lederhosen của Đức. Trong những năm gần đây, ngày Halloween đã trở nên phổ biến hơn ở các thành phố lớn, bạn có thể dễ dàng tìm được các cửa hàng bán đạo cụ và trang phục cho ngày này.

Tìm về cội nguồn

Đừng chỉ mải phiêu du ở các xứ sở xa xôi. Bạn có thể truyền cảm hứng cho con về ngay chính quê hương mình. Những câu chuyện lịch sử, những di tích, những dẫn chứng sống về nên văn hóa ở khắp nơi xung quanh bạn. Nhờ có mối liên hệ với nền văn hóa này, trẻ sẽ dễ cảm nhận được ý nghĩa và thu được những trải nghiệm sâu sắc.

Nguồn: Marrybaby

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Con quay Tosy - Đồ chơi Việt hấp dẫn

Trò chơi Con quay Tosy khởi nguồn từ trò chơi dân gian con quay gỗ thịnh hành ở Việt Nam vào những năm 80 trở về trước của thế kỷ XX, nhưng đặc sắc và hấp dẫn hơn rất nhiều.


Mỗi Con quay Tosy được cấu tạo gồm 3 phần: Cánh năng lượng, Áo giáp hủy diệt và Đế hoa tiêu. Các phần này đều có thể được tháo rời ra và thay đổi để phù hợp với sở thích của người chơi, giúp cho mỗi con quay sẽ mang đậm dấu ấn cá nhân của người sở hữu nó.

Để tăng thêm ý nghĩa cho mỗi trận đấu, các Con quay Tosy được chia làm 2 phe: phe Các vị thần và phe Người ngoài hành tinh. Mỗi con quay đại diện cho mỗi nhân vật trong 2 phe sẽ có những đặc điểm khác nhau cả về thiết kế bên ngoài cũng như các chỉ số tấn công, phòng thủ và năng lượng.

Con quay Tosy Toop có bộ động cơ cực khỏe kết hợp với cánh tăng tốc tạo nên những vòng quay tít đẹp mắt, hệ thống đèn led phát sáng rực rỡ làm cho những vòng quay càng trở lên lung linh hơn. Với những tính năng đó, con quay có thể chơi với các không gian khác nhau như trong nhà, ngoài trời ... và chơi với nhiều cách khác nhau: cho đĩa đậu trên tường nhà, bay thẳng ra xa hoặc bay vòng cung. Sản phẩm thích hợp với trẻ em, đặc biệt các em sống trong khu đô thị. Là một đồ chơi có tính chất "động" khi chơi con quay sẽ kích thích trẻ kết hợp nhiều động tác khác nhau như: đi, chạy, nhảy ném... mà vẫn đảm bảo độ an toàn cho trẻ.

Phiên bản đặc biệt của Con quay Tosy đã được Tổ chức guinness thế giới công nhận là Con quay tự quay lâu nhất thế giới!

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Thử tài bé với trò chơi rút gỗ

Một trong những trò chơi thử tài thông minh và khéo léo mà bạn có thể mua về để cùng chơi với các bé ở nhà chính là trò rút gỗ.

Trò chơi này ra đời từ rất sớm,  từ những năm 80 người ta đã biết 'xây dựng' những khối gỗ nhỏ xinh xắn xếp chồng lên nhau theo quy tắc xếp 3 thanh ngang và 3 thanh dọc. Tổng số khối gỗ có thể là 48 thanh hoặc 54 thanh.

Trên thị trường có nhiều loại rút gỗ cho các bạn lựa chọn như: rút gỗ màu, rút gỗ số, rút gỗ oẳn tù tì, rút gỗ jenga, rút gỗ xéo, rút gỗ edition... Quy tắc và luật chơi đều như nhau. Đây là trò chơi đòi hỏi 2 hoặc nhiều người chơi, khi chơi cần thêm 4 viên xí ngầu.

Qui tắc chơi:

- Quăng 4 viên xí ngầu để lấy tổng số điểm. Sau đó rút thanh gỗ theo số điểm rồi đặt thanh gỗ xuống hoặc xếp chồng thanh gỗ lên cao hơn để thử thách lượt rút tiếp theo. Mỗi bộ có 48 thanh hoặc 54 thanh, mỗi thanh được đánh dấu một con số. Bạn có thể sắp xếp chúng theo thứ tự hoặc ngẫu nhiên.

Một số phiên bản của trò chơi rút gỗ:

Rút gỗ số mini

Mỗi thanh gỗ sẽ có đính kèm một con số nhất định, người chơi lần lượt đổ xí ngầu, sau đó sẽ rút thanh gỗ mang số tương tự rồi xếp chồng lên trên, người làm sập tháp gỗ là người thua cuộc.

Rút gỗ oẳn tù tì


Rút gỗ oẳn tù tì là trò chơi thích hợp cho mọi lứa tuổi và đặc biệt rất phù hợp với các bạn teen. Cách chơi rất đơn giản, các bạn chỉ cần lần lượt rút các thanh gỗ (đúng thanh có hình vừa đổ xí ngầu oẳn tù tì) và đặt lên trên tháp gỗ, ai làm đổ tháp gỗ sẽ thua. Nhưng sẽ cực kỳ thú vị khi các thanh gỗ từ từ được rút hết và tháp gỗ được xây lên cao dần…lung lay lung lay… “Rầmmm”

Rút gỗ Uno Stacko


Trò này kết hợp giũa trò rút gỗ và bài uno. Thay vì rút gỗ thông thường thì trò chơi này phải rút theo mệnh lệnh của con bài uno.

Các thanh nhựa được đính kèm một màu với một số, giờ đây các bạn có thể thưởng thức bài UNO theo hình thức khác: rút gỗ UNO, cách chơi giống như bài UNO vậy. Ví dụ: trên cùng có 3 thanh lần lượt là: con 2 màu xanh dương, con 3 màu vàng, con 1 màu đỏ, thì người đầu tiên phải rút 1 trong những thanh sau để chồng lên trên nó:

- Con màu xanh dương bất kì hoặc
- Con màu vàng bất kì hoặc
- Con màu đỏ bất kì

Người thứ 2 cũng làm tương tự vậy, cho đến khi không còn đường để đi hoặc làm ngã thanh UNO stacko.

Một số con đặc biệt như con cấm đi: cấm người chơi tiếp theo đi; Còn take two ( hình 2 lá bài): yêu cầu người chơi phải lấy 2 thanh không đặc biệt tương ứng đặc lên trên; Con Joker: yêu cầu người chơi tiếp theo rút 1 thanh theo màu sắc người chơi trước chỉ định

Rút gỗ tình yêu


Mỗi thanh gỗ đều có một câu cầu khiến riêng, người chơi lần lượt rút thanh gỗ mà mình thích rồi thực hiện câu cầu khiến trên thanh gỗ đó đề ra, vui lắm đấy.

Rút gỗ màu


Mỗi thanh gỗ sẽ có một màu riêng, người chơi lần lượt đổ xí ngầu, xí ngầu ra màu gì thì phải rút thanh gỗ có màu tương tự, sau đó xếp chồng lên trên cùng, người làm sập tháp gỗ là người thua cuộc.

Rút gỗ xéo


Rút gỗ xéo: gồm 48 thanh gỗ, các thanh gỗ được cắt xéo 45 độ, làm cho khả năng rút gỗ khó hơn, feel hơn.


(Sưu tầm)

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Con thổi - Tò he bằng đất nung

Nói đến Hội An, bên cạnh những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, du khách sẽ còn nhớ đến một món quà lưu niệm đặc trưng khác, đó là con thổi hay còn gọi là tò he bằng đất nung. Những con tò he này có loại được quét lên một lớp dầu bóng, có loại để mộc. 

Người ta hay làm những con tò he theo hình mười hai con giáp, con tò he rỗng ruột, mỗi con có một hai cái lỗ nhỏ sau đuôi, thổi vào kêu te te, tò te. Có lẽ, từ tiếng kêu tò te này mà thành ra tên gọi tò he.

Bây giờ thì các con thú nho nhỏ từ loại làm bằng bột cho đến đất sét nung, thổi kêu được hay không kêu được đều gọi chung bằng cái tên tò he. Tôi thử tra trong từ điển tiếng Việt hơi xưa (trước năm 1975), chỉ thấy có Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931) giải thích tò he là "đồ chơi của trẻ con, làm bằng bột tẻ hấp chín", và Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Hà Nội-1967) giải thích là "đồ chơi của trẻ em nặn hình loài vật, làm bằng bột tẻ hấp chín và tô màu". Mấy quyển từ điển tiếng Việt in trong Nam trước năm 1975, như Việt Nam Tân tự điển của Thanh Nghị, hay Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí đều không có chữ Tò he.

Những con tò he làm bằng bột, loại không thổi kêu. Ảnh Internet.

Trên trang Wikipedia ghi nhận, tò he là một loại trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam xuất hiện ở vùng quê, từ miền Bắc không rõ từ lúc nào. Một nơi có truyền thống về nặn tò he thấy ghi là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Có lẽ ban đầu sản phẩm làm để cúng cho nên có hình dạng là đĩa xôi, nải chuối, mâm cỗ... Sau có thêm hình dáng những con vật như chim, công, gà, trâu, bò, cá, lợn... cho trẻ con chơi nên được gọi là "đồ chơi chim, cò". Có nơi gọi là con bánh, con giống. Ngoài màu sắc được pha từ những loại củ, quả như màu đỏ từ quả gấc, màu vàng từ hoa hòe, bột nghệ, màu xanh từ lá chàm, lá riềng... Cho thêm vào bột nặn mật mía có vị ngọt trẻ con chơi chán có thể ăn được. Sau người ta gắn thêm vào một cái còi nhỏ bằng khúc tre, trúc có gắn cái lá mía thổi te te, tò te, thành ra tên gọi tò he.

Về loại hình tò he nặn bằng bột bên trên, tương tự như ở Việt Nam, tại Nhật cũng là một nghệ thuật truyền thống lâu đời. có tên là Amezaiku.


Những con tò he Nhật Bản. Ảnh Internet.

Nghệ nhân nặn tò he Nhật Bản. Ảnh Internet.

So với những con tò he bằng bột với nhiều màu sắc bên trên, những con tò he bằng đất nung thổi lên nghe tò te tò te của Hội An trông không "bắt mắt" và tinh xảo bằng, nhưng nó cũng có những điểm riêng, đó là nét dân dã, mộc mạc, chân phương mà tôi rất thích. Nó xứng danh với tên gọi tò he hơn những sản phẩm bột màu bên trên.

Nguồn: Blogger Phạm Ngọc Hiệp                            

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

10 ý tưởng nhà đồ chơi bằng giấy carton sáng tạo cho bé

Trẻ em thích có không gian riêng của chúng, bạn có thể thấy rằng chúng rất vui khi chơi với những ngôi nhà đồ chơi, khi đó trẻ em dường như được sống trong thế giới riêng của chúng. Vì vậy, tại sao bạn không khám phá 10 ý tưởng và hướng dẫn chi tiết cách làm nhà đồ chơi giấy carton dưới đây và tự làm cho bé nhà bạn những ngôi nhà đồ chơi đơn giản mà thú vị này nhỉ!

1 / Đồ chơi ngôi nhà vùng thôn quê tự chế. Bạn có thể thự trang trí hoặc để bé tự trang trí, như  vậy bé sẽ phát huy được trí tượng tượng và khả năng quan sát, sáng tạo của mình:


2/ Ngôi nhà đồ chơi tự làm được trang trí đơn giản chính bằng những đoạn băng kèo nhiều màu sắc dùng dán các mảnh giấy carton:


3/ Ngôi nhà Giáng Sinh tự làm từ giấy carton:



4/ Hoặc bạn làm ngôi nhà đồ chơi giấy cac tông cỡ lớn để bé có thể sắp xếp thêm các vật dụng vào bên trong.



5/ Những ngô nhà vùng thôn quê cần có chuồng gia súc, và đây là chuồng gia súc đồ chơi cho bé:



6/ Thang máy làm từ giấy carton cho ngôi nhà của bé:



7/ Hướng dẫn cách bạn làm ngôi nhà đồ chơi giấy cac tông có thể gấp xếp gọn gàng lại khi bé chơi xong:



8/ Nếu có nhiều bé chơi chung, bạn có thể làm cả dãy phố gồm những ngôi nhà đồ chơi như thế này:



9/ Vài vật dụng cũng là đồ chơi tự làm từ giấy carton cho ngôi nhà của bé:



10/ Ngôi nhà đồ chơi cần có nhà bếp đồ chơi, đây là ý tưởng cho bộ đồ chơi nhà bếp tự làm từ giấy cac tông cho bé:



Vậy là bạn đã có những ý tưởng và hướng dẫn để làm nhà đồ chơi cho bé từ giấy carton. Chúc bạn và bé nhà mình có những phút vui chơi thú vị với những ngôi nhà đồ chơi bằng giấy carton tự chế của mình!



Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Cánh diều tuổi thơ

Thỉnh thoảng đi ngang qua những bãi chơi diều ở ngoại ô, nhìn những con diều đầy màu sắc và kiểu dáng được bán sẵn, đua nhau bay lượn trên bầu trời, tôi thoáng nghĩ “diều thành phố khác nhiều so với diều ở quê mình hồi nhỏ”.

Cây bằng cái kim, lá bằng cái quạt
Cây cao cao ngất, cao quá đỉnh ngàn

Thả diều vốn là món chơi không thể thiếu của trẻ nông thôn, khi mà xung quanh chỉ sẵn một khoảng trời rộng mênh mông của những cánh đồng bạt ngàn gió. Mỗi năm chỉ có một dịp thả diều đẹp nhất kéo dài chừng một tháng, lúc đó gió thổi đều đều, trời không mưa, vụ lúa đã xong, đồng thời cũng sắp nghỉ hè.

Vào mùa diều, mấy hàng tạp hóa bán dây cước trắng, dây nhựa các loại đủ màu sắc. Dây nhựa được chọn nhiều nhất là loại dây gồm ba hoặc nhiều cọng nhựa nhỏ hơn bện lại với nhau. Những ai chơi diều thường dùng lon sữa bò, ống tre, một khúc gỗ (hay củi) tròn nào đó đi mua dây.

Chất liệu làm diều khá đơn giản: giấy và nan tre. Nan tre được vót tròn khéo bằng ruột viết Bíc hoặc to hơn (tùy theo diều to hay nhỏ). Giấy thì giấy tập học sinh hay là giấy báo. Có người thay vì dùng giấy thì dùng ni-lon. Ni-lon thì khó làm diều hơn là giấy vì phải biết cách kết dính nan với ni-lon. Điều quan trọng nhất khi làm diều là phải uốn các nan thật cân đối để giữ thăng bằng khi đón gió.

Thả diều cũng là một kỹ năng cần phải rèn luyện. Nó mang tính trò chơi và thể thao cho nên cần có sự nhạy cảm đặc biệt qua việc cầm sợi dây và cảm nhận độ căng và độ xoắn của sợi dây. Đầu tiên là nhấp cho con diều nó bọc gió để nó từ từ vút lên cao. Nhấp diều có nhiều cách. Cách thông thường là cầm diều chạy lấy đà rồi thả dây ra từ từ để cho diều bọc gió lên cao. Trong lúc thả dây phải cảm nhận sự căng của dây mà thả dây ra nhanh hay chậm. Nhờ lấy chạy đà để bọc gió cho nên con diều mau bay lên và cũng mau đâm đầu xuống đất nếu mất thăng bằng. Cách thứ hai là đặt con diều xuống đất rồi đi cách xa mũi nó khoảng 20-30 mét. Đợi gió nhẹ thổi đến rồi giật giây và nhấp nhấp lên xuống để cho nó bọc gió bay lên cao. Khi nó bay lên cao khoảng 40-50 mét rồi phải nhấp nhẹ để giữ thăng bằng và thả dây ra từ từ để nó bay lên cao nhất.

Ra ngoài đồng thì nhìn đâu cũng thấy diều. Xa gần đều có diều. Diều phấp phới bởi những đuôi dài khắp chân trời và trên đầu. Thỉnh thoảng có những chiếc diều nơi khác thả cao lên và đúng ở trên đầu là nhìn đã nhất vì nó bay ra sao, lượn ra sao, ổn định ra sao... đều thấy rõ hết.

Ngoài việc cho diều bay lên cao, còn có những trò chơi nhẹ nhàn đến mạnh bạo xung quanh việc thả diều. Hay nhất là gắn sáo vào con diều để lợi dụng gió thổi nghe du dương vui tai. Thường diều có sáo thì thả thấp hơn để còn nghe tiếng sáo. Trò chơi khác là khi diều đã ổn định trên cao thì dùng những dải giấy nhỏ bề ngang khoảng 2-4 cm và dài khoảng 10-15 cm. Dùng chúng làm thành hình vòng bao quanh sợi đây và sức gió hút các vòng tròn đó lên cao và cao gần con diều. Khi sợi dây mang nhiều vòng tròn đó thì nó nặng và chùng xuống nhiều hơn vào con diều thấp hơn và xa hơn. Cái vui là nhìn từng vòng tròn bị gió hút lên theo sợi dây khi nhanh khi chậm. Trò chơi mạo hiểm hơn là cho con diều lượn qua lượn lại trên bầu trời. Những ai có máu tinh nghịch đều thích làm như vậy. Có người khéo làm cho con diều lượn hình số tám nằm ngang. Bạo lực hơn là đấu diều nhau. Hai con diều cố gắng đâm vào nhau cho đến khi rách. Nếu đâm không khéo thì hai sợi dây diều xoắn lại với nhau và cả hai con diều đâm đầu xuống đất.

Chuyển về thành phố sống khi còn khá nhỏ, ký ức tuổi thơ của tôi không còn những cánh đồng ngát gió mà bị chen lẫn bởi nhiều căn nhà cao tầng, nhiều con đường chật hẹp và những dòng người đông đúc ngược xuôi. Thế nhưng, cảm giác về một bữa tiệc diều lộng lẫy thì khó có thể nào quên.


(Sưu tầm)

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Bảng chữ cái điện tử thông minh

Bng ch cái đin t thông minh  kết hợp âm thanh và hình ảnh sinh động theo nhiều chủ đề khác nhau có thể giúp bé phát triền toàn diện về thị giác, xúc giác, thính giác, mở mang cả đại não.


Ưu điểm của loại đồ chơi này là rất dễ sử dụng khi được chia ra thành chủ đề chữ cái tiếng Việt và từ ngữ, bé được học tập phiên âm, học âm điệu, dễ đọc dễ nhớ như có người hướng dẫn trực tiếp.

Ngoài tính năng dạy bé biết đếm số, bảng chữ cái điện tử thông minh còn dạy bé học biết cách so sánh con số to nhỏ để cho trẻ học tập một cách nhẹ nhàng. Tất cả các chủ đề đều được sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Anh để bé lựa chọn. Ngoài những lúc học tập căng thẳng bé có thể thưởng thức âm nhạc để thư giãn và thỏa tính tò mò.


Sự tương tác mà bảng chữ cái điện tử đem lại  vừa giúp bé phát triển toàn diện về ngôn ngữ vừa giúp bé tiếp cận tiếng Anh một cách đơn giản nhất ngay từ nhỏ.

Khoa học đã chứng minh rằng trí não của trẻ gần như phát triển đạt mức tối đa trong 6 năm đầu đời. Đây thực sự là một khoảng thời gian tuyệt vời để bé học hỏi, tìm hiểu về thế giới xung quanh để bé phát triển hết khả năng tư duy của mình. Vì vậy các bậc cha mẹ nên giúp bé tiếp cận những trò chơi trí tuệ vừa chơi vừa học thông minh càng sớm, bé sẽ phát triển càng sớm. 




Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Tiết kiệm hơn với dịch vụ cho thuê đồ chơi

Dịch vụ cho thuê đồ chơi trẻ em đã xuất hiện vài năm trở lại đây, phần nào giúp được các bậc cha mẹ tiết kiệm chi phí mà vẫn đáp ứng được tâm lý “cả thèm chóng chán” của các bé.

Bé có thể được sử dụng nhiều món đồ chơi mà không cần phải mua tất cả

Khảo sát một vòng các trang thông tin thì thấy đồ chơi cho thuê ở mỗi cửa hàng đều có đa dạng sản phẩm, từ đồ dùng cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, đồ chơi tập đi, tập ngồi, đồ chơi phát triển trí não, hay các sản phẩm hướng nghiệp… để các khách hàng nhí tha hồ thỏa thích vui chơi. Hầu hết đồ chơi các cửa hàng cho thuê đều của các nhãn hiệu lớn, uy tín như: Fisher Price, Little Tikes, Lego, Mega Bloks, Vtech, Lucky Baby, Viking, Winwin toys… được nhập từ các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hoặc châu Âu.

Giá đồ chơi cho thuê (theo tuần) thường dao động khoảng 5-15% so với giá trị thực của mỗi sản phẩm. Hiện tất cả các cửa hàng cho thuê đồ chơi đều đầu tư xây dựng trang web riêng và đưa tất cả thông tin về chủng loại, tính năng của đồ chơi lẫn giá thuê cũng như chính sách vận chuyển trên web. Đây là cơ sở để các phụ huynh chọn lựa và đối chiếu giá cả trước khi quyết định thuê, bởi thực tế giá cả chênh lệch khá nhiều giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Với dịch vụ này, các loại đồ chơi lớn như cầu trượt, sàn nhún, nhà banh… không còn là giấc mơ quá xa vời với các em nhỏ bởi giá mắc nữa. Chỉ có một lưu ý, đối với những loại đồ chơi cho thuê như thế này, cha mẹ nhớ chú ý kiểm tra kỹ lưỡng đến vấn đề vệ sinh, đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi.

Các mẹ ở trong Sài Gòn có thể tìm hiểu thêm thông tin về dịch vụ cho thuê đồ chơi tại:

Các mẹ ở Hà Nội, có thể tham khảo các địa chỉ website sau đây:

(Tổng hợp)

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Xe lắc hỗ trợ hệ vận động cho trẻ

Nếu đồ chơi xếp hình giúp bé phát triển khả năng tư duy logic thì những chiếc xe lắc sẽ giúp bé rèn luyện khả năng vận độn uyển chuyển và linh hoạt, đồng thời rèn luyện thể lực cho bé.

Trẻ  hơn 1 tuổi  đã có thể ngồi vững và rất cần hoạt động cơ thể để hệ cơ xương nhanh vững chắc. Ở độ tuổi này bé cũng bắt đầu thích thú với những trò chơi vận động và khám phá thế giới xung quanh trên những bước đi chập chững của mình.

Chính vì vậy, một chiếc xe lắc trẻ em đủ để bé thỏa mãn đam mê khám phá và tự mình di chuyển tới những nơi mà bé yêu thích. Đây là một dạng đồ chơi an toàn cho bé, sử dụng hoàn toàn bằng sức của bé nên ngoài tác dụng giải trí, còn giúp bé tăng cường khả năng vận động, chống béo phì do lười vận động hoặc thiếu không gian vui chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời.

Hiện ngoài thị trường có nhiều loại xe lắc với mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú, kiểu dáng gọn nhẹ... Tuy nhiên, về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cũng rất khó kiểm soát. Dưới đây là một số dòng xe lắc tay đảm bảo do các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo:

Xe lắc tay trẻ em của Nhựa chợ Lớn





Xe lắc tay trẻ em của hiệu Song Long



Xe lắc tay trẻ em hiệu Đại Phát Tài


Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Kí ức chơi cù

Thuở bé, lũ trẻ nhà quê chúng tôi thường được bố làm cho mỗi đứa một chiếc cù. Chúng tôi mang cù theo mỗi khi đi chăn trâu và tổ chức các cuộc đấu cù làm dậy lên những tiếng cười râm ran lan khắp cả cánh đồng làng. 

Bây giờ, chúng bạn tôi đã đi tứ phương mưu sinh, quê tôi đã đô thị hóa, trẻ con không còn chơi cù nữa. Kì lạ thay, mới đây, trong một lần lên vùng cao, thấy đám trẻ người Mông say sưa chơi cù (người Mông gọi là tu lu), cả một kí ức tuổi thơ với những trò chơi dân gian bình dị bỗng sống lại mãnh liệt trong lòng tôi.

Trong những dòng kí ức trong trẻo ấy, nhớ nhất là thằng Thành, một đứa bạn cũng sinh năm 1981 như tôi. Bố Thành làm thợ mộc trong xóm nên nó bao giờ cũng có chiếc cù đẹp nhất, tốt nhất trong nhóm bạn. Vì thế, trong những cuộc đấu cù, bao giờ nó cũng giành phần thắng. Ở quê tôi, chơi cù có hai cách, cách thứ nhất là đánh cù xem chiếc nào quay lâu hơn. Cách thứ hai là dùng cù chọi vào nhau, chiếc cù nào bị vỡ thì sẽ bị xử thua. Tất nhiên, người thua sẽ phải làm các việc mà lũ trẻ trâu chúng tôi thường quy định như phải cắt cỏ đuổi trâu về cho người đứa thắng cuộc.

Để làm cù có thể chọn rất nhiều loại gỗ như: gỗ cây thị, gỗ lim, gỗ lát…
nhưng tốt nhất vẫn là gỗ từ thân cây ổi găng, vì gỗ ổi găng vừa chắc, dễ tìm lại vừa dễ đẽo. 

Để làm một chiếc cù vừa cỡ tay cầm của trẻ con, 
người ta thường chọn thân cây ổi có đường kính khoảng 10cm là thích hợp nhất.

Người đẽo cù phải biết cách tính toán căn chỉnh sao cho chiếc cù phải tròn và thật cân đối.

Một chiếc cù tốt khi đánh phải cân đối và xoay được lâu.

Đấu cù với thằng Thành, tôi luôn là người thua cuộc, luôn phải cắt hai phần cỏ và lặn lội đi đồng xa đuổi trâu về cho nó. Tôi cay cú lắm, nghe người lớn bảo, gốc cây ổi vừa to vừa chắc làm cù thì tuyệt diệu. Nhà tôi có 2 cây ổi găng mọc ở chái nhà cho quả thơm ngon nhất làng, đến mùa mẹ tôi gánh ra chợ bán rất đắt hàng. Một cây đã bị đốn trộm lúc cả nhà tôi đi làm đồng vắng. Cây còn lại, nhân lúc bố mẹ đi vắng, tôi vác dao đốn hạ nốt để đẽo cù với mong muốn sẽ "phục thù" chọi vỡ cái cù của thằng Thành cho bõ tức. Quả nhiên cuộc đấu cù ngày hôm đó tôi đã chọi thắng cù của Thành, nhưng đồng thời chiều về cũng bị bố cho một trận đòn nhớ đời vì tội dám cả gan đốn hạ cây ổi. Lần ấy, thằng Thành đứng bên bờ rào nhìn tôi bị đòn cứ cười rúc rích.

Chúng tôi lớn lên như củ khoai, củ sắn với biết bao kỉ niệm buồn vui của một thời thơ trẻ ở chốn nông thôn. Lớn lên, llux chúng tôi mỗi đứa một nơi. Đứa vào Nam, thằng ra Bắc. Hôm rồi có dịp lên vùng cao vui hội của người Mông, thấy đám trẻ con chơi tu lu, lòng tôi bỗng dậy lên những cảm xúc khó tả về một thơi xưa cũ. Thế rồi ngày hôm ấy, tôi bỗng nhiên hóa thành trẻ nhỏ, cũng lăn vào mượn tu lu và say sưa chọi cù với đám trẻ Mông tinh nghịch.

Trẻ con người Mông chơi cù (tu lu) rất đa dạng, có thể chơi 1 mình.

Hoặc hai người đấu với nhau.

Vào ngày hội, có thể cả một nhóm bạn cùng tham gia chơi cù.


Nguồn: http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/ki-uc-choi-cu/38102.html