Không biết có phải vì lúc còn nằm
trong nôi lỡ dỏng tai lên nghe tiếng súng hay không, mà lớn lên, bọn tôi lại rất
thích chơi ống thụt. Thích, nhưng cái chơi của đám trẻ quê nghèo phần lớn là do
đất trời ban tặng, mà đất trời thì lúc mưa lúc nắng, nên chuyện chơi cũng đành
phải theo mùa.
Sau cơn mưa đầu mùa khoảng hơn một
tháng thì những mầm măng trên núi cũng bắt đầu đội đất chui lên. Đi bẻ măng,
nhưng bao giờ chúng tôi cũng lùng sục tìm lấy vài khúc tre để làm ống thụt.
Cái ống thụt, về “nguyên lý” thì
đơn giản lắm, nhưng đã là “dân chơi thứ thiệt” thì việc chế tác cũng cần phải
“đúng bài”. Thân ống thụt phải là một lóng tre thật thẳng, lỗ tròn, dài hơn nửa
mét. Lóng tre được chặt làm hai đoạn. Đoạn dưới để mắt, dài bằng chiều ngang của
bàn tay, cắm một cây ti bằng tre già, để ló ra một đoạn gần bằng chiều dài ống
thụt. Cây ti phải chắc, vót trơn, vừa đủ để có thể di chuyển nhẹ nhàng trong ống.
Đoạn còn lại của lóng tre là thân ống thụt, dài chừng hai gang tay người lớn. Trên
phần thân khoét một cái lỗ tiếp đạn, lớn hơn lỗ ống một chút, để trái cò ke có
thể dễ dàng rơi xuống là nằm đúng ngay tâm. Bao quanh lỗ tiếp đạn là một đoạn ống
lồ ô có lỗ lớn gần bằng ống thụt, khoét một lỗ nằm ngang để nhét ống thụt vào,
cố định ngay lỗ tiếp đạn. Trong ống lồ ô là một ống tre có lỗ lớn hơn đạn một
chút, bỏ đầy trái cò ke, cắm chốc đầu vào lỗ tiếp đạn. Để ống thụt nổ lớn, nhiều
đứa còn gắn trên nòng một cái cổ chai. Mô tả thì đơn giản, nhưng để tìm được
nhiều loại ống tre đủ tiêu chuẩn là việc không dễ chút nào. Ống thụt thì phải
là tre đá, hộp tiếp đạn tốt nhất là lồ ô, còn băng đạn thì không gì qua ống nứa.
Khi trái cò ke đủ lớn, mùa chơi ống
thụt bắt đầu. Ban đầu là những màn rượt bắn nhau chí chóe. Thì cũng là hù dọa
nhau cho vui, chứ lỡ tay bắn trúng nhau, có tiếng khóc cất lên là “ăn mày cả
lũ”. Tuy vậy, cứ thấy ống thụt chĩa vào người là phải chạy, phải la cho đã. La
để giải tỏa những khát khao chờ đợi. La để làm hiệu cho đám con nít còn đang
chúi đầu vào mâm cơm nuốt vội ba miếng rồi còn chạy ra nhập bọn mà chơi. Tiếng
la hét, tiếng ống thụt nổ đôm đốp làm rộn rã cả hoàng hôn. Nhiều khi hứng chí,
bốn năm đứa xếp hàng ngang cùng “nổ súng” để tạo nên một chuỗi âm thanh náo nức,
rộn ràng. Ở xứ rừng, trái cò ke đã “vào mùa” là không bao giờ thiếu. Chơi ống
thụt vui lắm. Vui không chỉ vì tiếng nổ, mà còn vì thỉnh thoảng lại được vênh mặt
khi sửa cho nhau cây súng, “dạy” cho nhau cách chơi. Ống thụt có tiếng nổ, có đạn
bay, nên chơi đánh trận giả mà không có nó thì chẳng còn gì là hứng thú. Chơi ống
thụt mà không đủ sức đẩy một phát cho “ngọt”, phải nhắp nhiều lần, “kẹt đạn” một
cái thì chỉ có chẻ cả nòng ra mà nghiệm lấy cho mình một bài học nhớ đời.
Hồi ấy, anh tôi là một “tay súng” cự
phách. Công bằng mà nói, chẳng phải anh tôi giỏi giang nổi trội gì, mà là vì
bao giờ làm ống thụt, anh cũng được sự trợ giúp của ba tôi. Biết là trò chơi có
chút nguy hiểm, nhưng ba không cấm, mà mượn cách giúp đỡ để dặn dò, để hạ bớt
tính hiếu thắng của chúng tôi. Thấy tôi vì yếu sức mà chơi ống thụt hay bị “kẹt
đạn”, ba chế thêm mấy sợi dây thun, khi “lên đạn” phải dùng lực kéo ra, để khi
bắn nó “giúp lại cho một tay”. Ba kể, hồi nhỏ ở quê, các anh tôi chơi ống thụt
bằng trái bời lời. Sau này về thành phố, không có ống thụt, bèn lấy ống bút bi,
nhét giấy ướt vào bắn cho đỡ nhớ. Hóa ra, cái ống thụt này cũng là một trò chơi
dân gian mà ở đâu cũng có, là chút hồn quê mà dù đi đâu người ta cũng phải mang
theo, để trong muôn vàn nỗi nhớ quê, luôn có nỗi nhớ về tiếng ống thụt đì đoàng
của thời nhỏ dại.
Đã lâu rồi tôi không còn được nghe
tiếng ống thụt. Núi vắng bóng tre, và rừng đã lùi xa. Chiều nay ngồi nghe mưa
ràn rạt mái tôn, bỗng nhiên mà tha thiết nhớ âm thanh của mưa trên mái rạ, âm
thanh của tiếng chim chao chát rừng chiều, âm thanh của tiếng ống thụt trong
hoàng hôn chập choạng.
Người ta bảo, cứ nhìn đám trẻ thơ
là như thấy lại mình thời nhỏ dại. Tôi bây giờ đôi lúc cũng tìm cớ để xen vào
chơi cùng trẻ nhỏ, nhưng có bao giờ tìm lại được tuổi thơ đâu?
Nguồn: Blog Lương Văn Lễ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét