Đối với hầu hết các bậc phụ huynh thì việc quan trọng nhất của trẻ là học,
nhưng hoạt động mà trẻ quan tâm đến nhất lại là chơi. Đó có phải chăng là điều
mâu thuẫn? Thực ra, chính việc trẻ chơi đùa một cách thích thú, sẽ là cơ sở để
trẻ học hỏi một cách tích cực.
Các bậc cha mẹ thường cho rằng việc
chơi đùa của trẻ chủ yếu là diễn ra ở trường Mầm Non, hay ở công viên, khu vui
chơi… còn gia đình thì chật chội, và cha mẹ thì không có thì giờ và không biết
cách chơi. Nhiều khi đã mua rất nhiều đồ chơi, mà trẻ vẫn không thích chơi, chỉ
chơi trong ít lâu rồi làm hỏng và không đụng tới nữa, khiến cho phụ huynh chán
nản.
Không phải chỉ những người cha,
người mẹ lớn tuổi, hay có địa vị ngoài xã hội mới ít chơi với con, mà ngay cả
những người trẻ tuổi, mới làm cha mẹ lần đầu hoặc đến lần thứ hai, ba cũng chưa
biết chơi với con đúng cách, vì mỗi một lứa tuổi lại có những khả năng, sự ham
thích và nhu cầu phát triển khác nhau. Vì vậy phải giúp con bằng những trò chơi
và đồ chơi phù hợp để qua đó, trẻ sẽ phát triển một cách toàn diện.
Việc cùng trẻ chơi đùa, dù chỉ
trong phút chốc chắc chắn sẽ có giá trị hơn nhiều giờ đưa con đến những khu vui
chơi, vào siêu thị, mua cho con vài thẻ trò chơi còn mình thì đi mua sắm hay chỉ
đứng ngó. Cha mẹ có thể nghĩ rằng, trẻ chỉ cần giải trí với những món đề chơi
là đủ, nhưng việc phát triển mối “tương tác” giữa cha mẹ và con mới là điều cần
thiết cho sự hòa nhập của trẻ sau này, mà những trò chơi sẽ là những tác nhân
tích cực nhất.
Khi chơi trẻ học được gì?
Trẻ em tiếp thu những kiến thức,
kỹ năng rất tốt khi chơi. Cha mẹ thường sốt ruột khi thấy có vẻ như các cháu
chơi nhiều hơn học trong giai đoạn mẫu giáo. Đừng lo lắng, chơi là một phương
pháp học rất hiệu quả. Tất cả các hoạt động vui chơi mà trẻ tham dự đều xây dựng
cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm. Giúp trẻ phát triển thể lực, kỹ năng để
làm nền tảng cho việc học tập sau này.
Những vật hình khối giúp trẻ nhận
thức được không gian ba chiều. Trẻ có thể tưởng tượng rất nhiều hình ảnh, nhân
vật thông qua các khối gỗ đơn giản ấy. Việc trẻ sử dụng các loại màu sáp, màu
nước để nguệc ngoạc những hình thù vô
nghĩa hay những hình con người thật kỳ lạ chính là cơ sở để giúp trẻ vừa phát
huy nhận thức, vừa giải tỏa các ức chế về tâm lý. Không những thế, những hình vẽ
về con người còn nói lên được mức độ phát triển trí tuệ của trẻ.
Khi chơi các trò chơi ráp hình,
trẻ sẽ phát triển khả năng suy luận về không gian, biết cách quan sát những kiểu
mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp tay và mắt. Các trò chơi nắn đất sét lại
giúp cho trẻ phát huy trí tưỡng tượng cũng như kỹ năng khéo léo của bàn tay.
Còn với các trò chơi vận động, điều
này giúp trẻ phát triển thể lực, biết phối hợp sự vận động, tăng cường khả năng
phản xạ, sự nhanh nhẹn…
Trò chơi sẽ giúp cho trí tưởng tượng
của các em bay bổng, các em có thể hình dung ra rất nhiều hoạt động trong xã hội
thông qua trò chơi. Với trí tưởng tượng phong phú các em có thể biến cây gậy
thành con ngựa, biến các ghế ngồi thành xe lửa hay xe …tăng. Đó chính là niềm hạnh
phúc lớn lao của tuổi thơ và đó cũng là tiền đề cho khả năng sáng tạo sau nay
khi các em khôn lớn.
Trò chơi cũng giúp cho các em
nâng cao tính kỷ luật tự giác, thông qua việc ý thức được các vai trò trong cuộc
chơi, chấp hành các quy định của trò chơi một cách tự nguyện. Dần dần điều đó sẽ
hình thành ở trẻ một thói quen tốt là tự đặt ra cho mình những nguyên tắc về kỷ
luật, làm nền tảng cho các hoạt động sau này.
Tại gia đình, nếu phụ huynh biết
cách chơi với con, không những giúp cho trẻ phát triển, để có thể thích nghi
nhanh với các hoạt động tại nhà trường, mà còn giúp trẻ tự tin hơn trong việc
giao tiếp với các bạn cùng lứa tuổi.
(ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét